Giá điện tăng: Ngành thép khó càng thêm khó

388229541-39369778-08082016-asia-steel0-15534849507061272758715-crop-1553484956863877005214

Social Sharing:

Giá điện tăng: Ngành thép khó càng thêm khó

Bên cạnh những khó khăn về trào lưu bảo hộ thương mại và phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới, năm 2019, ngành thép Việt Nam sẽ gặp thêm bài toán về giá điện tăng.

Giá điện tăng 8,36% kể từ ngày 20/3 khiến không ít doanh nghiệp phải lo lắng khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng điện năng như ngành thép, dệt may, xi măng…

Theo đó, từ ngày 20/3 giá điện sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trao đổi với chúng tôi về tác động của việc tăng giá điện đối với ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành thép.

“Theo ước tính của Hiệp hội Thép, giá điện tăng 8,36% thì giá thép có thể tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong đó có điện năng. Do đó, giá điện tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Tác động của việc tăng giá điện đối với từng doanh nghiệp sẽ khác nhau. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng lò điện hồ quang sẽ chịu tác động nhiều nhất, sau đó là đến các doanh nghiệp sản xuất gang thép liên hợp và cuối cùng là các cơ sở sản xuất cán và sau cán”.

Ông Sưa cho biết thêm, trước và sau khi có thông tin giá điện tăng 8,36% vào cuối tháng 3/2019, Hiệp hội Thép khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện.

“Hành động này không chỉ giúp giảm tối đa tác động của việc tăng giá điện mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp thép. Chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả hợp lý hơn”.

Về bức tranh ngành thép trong năm 2019, ông Sưa chia sẻ, nhu cầu thép được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái, chủ yếu đến từ thị trường trong nước. Tuy nhiên, trước mắt ngành thép vẫn gặp nhiều khó khăn trong thị trường xuất khẩu do trào lưu bảo hộ mậu dịch nổi lên rất mạnh trên thế giới đặc biệt tại những nước Việt Nam xuất khẩu nhiều như EU, Mỹ, ASEAN.

“Khó khăn là như thế nhưng chúng tôi tin các doanh nghiệp có thể đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. Vì trong năm 2018, ngành thép đã gặp rất nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại thế nhưng xuất khẩu của ngành lại tăng 33% so với năm 2017.”, ông Sưa khẳng định.

Một khó khăn nữa là ngành thép cũng phải phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu trên thế giới do phần lớn nguyên liệu sản xuất thép đều được nhập khẩu.

Kể từ năm 2010 đến nay, giá điện bình quân đã được tăng 9 lần. Mức tăng cao nhất thuộc về năm 2011 với 15,3%. Kể từ năm 2013 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh thưa hơn và biên độ mỗi lần tăng cũng thấp hơn từ 5%-9%.

Theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc tăng giá bán điện là các doanh nghiệp thuộc nhóm xi măng và các doanh nghiệp thép lò điện khi điện chiếm từ 10 – 15% chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong khi giá bán khó có thể tăng theo chi phí đầu vào do tính chất cạnh tranh trong ngành.

Đối với việc tăng giá điện, Chứng khoán BSC đánh giá ảnh hưởng đến nhóm nhà máy niêm yết là không có do chỉ áp dụng với các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn >600mW.

Scroll to Top